Bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Cảnh tại Lễ tôn vinh công nhân lao động tiêu biểu lần thứ XIV, năm 2023

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Ngày 28/4/2023, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ Tôn vinh công nhân lao động tiêu biểu lần thứ XIV, năm 2023, Cổng thông tin điện tử LĐLĐ tỉnh trân trọng giới thiệu đến đoàn viên, NLĐ toàn văn phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang
Đồng chí Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang phát biểu

Trong những ngày này, cùng với Nhân dân cả nước, Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo niềm tin và khí thế mới trong lao động, sản xuất, công tác và học tập. Các công đoàn cơ sở trong tỉnh đang tích cực hoàn thành tốt việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2023-2028 tiến tới đại hội công đoàn cấp trên cơ sỏ và Đại hội Công đoàn tỉnh Bắc Giang lần thứ 18, nhiệm kỳ 2023-2028. Trong niềm tin tưởng đó, hôm nay, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang long trọng tổ chức lễ tôn vinh công nhân lao động tiêu biểu lần thứ 14, tuyên dương cán bộ công đoàn, công nhân viên chức lao động có thánh tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với kỷ niệm 137 năm Quốc tế Lao động (1/5); phát động Tháng công nhân và Tháng an toàn, vệ sinh lao động năm 2023. Thay mặt Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, tôi xin gửi đến quý vị đại biểu, khách quý, các đại biểu được tôn vinh, khen thưởng, các cán bộ, đoàn viên và người lao động trong tỉnh lời chào trân trọng, lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, chúc phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn ngày càng phát triển, chúc buổi lễ của chúng ta thành công tốt đẹp!

Thưa các đồng chí!

Từ nửa cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn độc quyền, sản xuất công nghiệp tăng nhanh; ở một số nước như Anh, Pháp, Đức, Mỹ... phát triển mạnh mẽ. Cùng với những bước tiến của nền kinh tế tư bản, giai cấp tư sản tăng cường bóc lột và bần cùng hóa công nhân lao động; mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc, dẫn đến nhiều cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản diễn ra với quy mô ngày càng lớn.

Trong cuộc đấu tranh đó, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, C.Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là một nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế I họp tại Gieneve (Thụy Sĩ) tháng 9/1866, vấn đề đấu tranh đòi ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ quan trọng. Khẩu hiệu “Ngày làm 8 giờ" sớm xuất hiện ở một số nơi của nước Anh - nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất thế giới. Yêu sách này dần lan sang các nước khác.

Nước Mỹ, từ một quốc gia có nền kinh tế lạc hậu, phụ thuộc vào châu Âu, đã mở rộng sản xuất, nhanh chóng phát triển trở thành nước công nghiệp hàng đầu thế giới. Thành phố Chi-ca-gô trở thành trung tâm thương nghiệp của Mỹ. Nước Mỹ lao vào cuộc chạy đua cạnh tranh tư bản quyết liệt. Các guồng máy chạy hết công suất suốt ngày đêm, hàng vạn công nhân bị bắt buộc làm việc mỗi ngày từ 14 đến 18 giờ, phụ nữ quần quật lao động không kém gì nam giới, nhưng đồng lương chỉ bằng 1/2 nam giới và suốt tuần không có ngày nghỉ; trẻ em phải làm việc 12 giờ/ngày.

Ngày 01/5/1886, tại thành phố Chi-ca-gô (Mỹ), hưởng ứng lời kêu gọi của “Liên đoàn Lao động Mỹ", hàng chục ngàn công nhân toàn thành phố tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố (40 ngày không đến nhà máy làm việc). Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ" trở thành tiếng nói chung của giai cấp công nhân, chính quyền tư sản rơi vào thế bị động. Cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh, dân chủ, vì sự tiến bộ xã hội bị đàn áp đẫm máu, song đã tạo được sự hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của công nhân khắp nước Mỹ lên tiếng ủng hộ yêu sách của công nhân Chi-ca-gô. Công nhân Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan tổ chức nhiều cuộc mít tinh bày tỏ sự đồng tình với công nhân Mỹ.

Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, được triệu tập ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó ngày 1/5 trở thành ngày Quốc tế Lao động.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc tế thứ 2, ngày 01/5/1890 lần đầu tiên, ngày Quốc tế Lao động được kỷ niệm với quy mô thế giới. Công nhân ở các nước Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Áo, Đan Mạch, Bỉ, Thụy Điển, Hà Lan, Ý và nhiều nước khác tiến hành bãi công, mít tinh, xuống đường biểu tình mang theo biểu ngữ “Ngày làm 8 giờ", “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại".

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã trở thành ngày lễ tại nhiều quốc gia trên thế giới, dành để tôn vinh lao động và gây dựng đoàn kết lao động trên thế giới; là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Thưa các đồng chí!

Từ những năm đầu của thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin vào Việt Nam, giúp công nhân lao động Việt Nam hiểu rõ phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, nhất là về Cách mạng tháng Mười Nga và ngày Quốc tế Lao động 1/5. Ngày 01/5/1925, công nhân Chợ Lớn, công nhân đường sắt Dĩ An và công nhân Đà Nẵng biểu tình bày tỏ ý chí bảo vệ Liên bang Xô - Viết.

Tháng 02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng xác định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công - nông. Phong trào đấu tranh ngày 1/5/1930 đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930 - 1931. Lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, vận động của Công hội đỏ, công nhân cùng nông dân mít tinh biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5, đấu tranh đòi quyền lợi, bày tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới.

Ngày 18/02/1946, Hồ Chủ Tịch ký Sắc lệnh số 22c quy định ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Ngày 29/4/1946, Hồ Chủ Tịch ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5. Ngày 01/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức kỷ niệm trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động. Từ đó, ngày Quốc tế Lao động (1/5) hằng năm là một trong những ngày lễ lớn của đất nước, ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.

Ngày 01/5/1951, trong lời kêu gọi nhân ngày Quốc tế Lao động, Bác Hồ xác định “Trọng tâm thi đua là: Quân đội thi đua giết giặc lập công. Công nhân thi đua tăng gia sản xuất. Nông dân thi đua sản xuất lương thực. Trí thức thi đua sáng tác, phát minh. Cán bộ thi đua cần, kiệm, liêm, chính. Toàn dân thi đua tích cực tham gia kháng chiến". Ngày 01/5/1958, Bác đưa ra “Lời kêu gọi nhân ngày Quốc tế Lao động" khẳng định: “Hôm nay, cùng với nhân dân lao động toàn thế giới, chúng ta nhiệt liệt chào mừng ngày 1/5 trong lòng đầy tin tưởng và phấn khởi quyết tâm vượt mọi khó khăn, tiến lên làm tròn những nhiệm vụ mới...". Ngày 01/5/1964, nhân ngày Quốc tế Lao động, Bác gửi điện khen ngợi thanh niên trên công trường khôi phục đường sắt Thanh Hoá - Vinh, trong đó có việc xây lại Cầu Hàm Rồng.

Kể từ năm 1975 cho đến nay, kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 ở Việt Nam ngày càng có ý nghĩa hơn khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm gắn với ngày Chiến thắng 30/4 lịch sử. Đây là dịp để giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm; sôi nổi hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Người đã có công lao rất to lớn giúp Nhân dân ta ý thức được ý nghĩa lịch sử và tác động của việc kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5, từ đó càng thêm quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.

Thưa các đồng chí!

Phát huy truyền thống thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong các phong trào thi đua yêu nước. Trong những năm qua, phong trào thi đua trong công nhân viên chức lao động tỉnh Bắc Giang đã được các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai rộng khắp, thu hút đông đảo đoàn viên và người lao động hưởng ứng tham gia. Qua đó đã góp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2022, 2023, kinh tế- xã hội của tỉnh ta đã phục hồi nhanh chóng sau  đại dịch COVID-19, trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước. Năm 2022, công nhân viên chức lao động đã tham gia hưởng ứng có hiệu quả Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” đã có 50.748 sáng kiến, đạt 236% chỉ tiêu toàn bộ Chương trình (vượt 29.248 sáng kiến) đứng thứ tư toàn quốc. Những sáng kiến đã được áp dụng vào thực tiễn, nhiều tấm gương lao động tiêu biểu xuất hiện từ lao động sản xuất đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh ghi nhận, khen thưởng. Tại hội nghị ngày hôm nay, chúng ta tổ chức tôn vinh 137 cá nhân là những công nhân lao động tiêu biểu trong các phong trào thi đua, 50 cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác. Mỗi người, mỗi lĩnh vực nhưng đều thể hiện sự nhiệt huyết cháy bỏng, lương tâm nghề nghiệp cao cả, tình đoàn kết thân ái và quan trọng hơn là trách nhiệm của mình với công việc, với doanh nghiệp, với cộng đồng xã hội để “vượt khó vươn lên” trở thành những cá nhân điển hình, đi đầu trong phong trào thi đua. Sự có mặt của các đồng chí được khen thưởng tại buổi lễ hôm nay cùng nhiều công nhân lao động giỏi khác trong toàn tỉnh đã thực sự góp phần mang lại những thành công của các phong trào thi đua do Công đoàn phát động thời gian qua. Xin đề nghị quý vị đại biểu có mặt trong hội trường, hãy dành một tràng pháo tay thật lớn để chúc mừng và biểu dương các cá nhân tiêu biểu được tôn vinh, khen thưởng tại buổi lễ hôm nay.

Thưa các đồng chí!

Trong tiến trình phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức công đoàn. Giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để thực hiện khát vọng của dân tộc. Năm 2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa 11 đã quyết định lấy tháng 5 hàng năm là “Tháng Công nhân”. Từ đó đến nay, “Tháng Công nhân” hàng năm được tổ chức công đoàn chủ trì phối hợp với các địa phương, ngành, doanh nghiệp tổ chức với nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; đồng thời phát huy vai trò tiên phong, năng lực sáng tạo của người lao động trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Tháng Công nhân lần thứ 12- năm 2023 với chủ đề “Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức” gắn với việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đặc biệt là Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” trong công nhân viên chức lao động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, đã thực sự mang lại lợi ích thiết thực, phát huy tiềm năng to lớn của đội ngũ công nhân và những người lao động.  

Chúng ta thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà người công nhân đã và đang trải qua trong bối cảnh các doanh nghiệp của Việt Nam cũng như trên thế giới vừa phải trải qua cuộc đấu tranh phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vô cùng khốc liệt. Tình hình mất việc làm, thu nhập giảm, các chế độ phúc lợi bị cắt giảm, cuộc sống của công nhân lao động trong tỉnh còn khó khăn.

Từ năm 2020, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động đồng thời Tháng Công nhân và Tháng an toàn, vệ sinh lao động được triển khai sâu rộng ở mọi cấp, mọi ngành. Đây là cách làm phù hợp với thực tiễn, tạo sức mạnh cộng hưởng nguồn lực và những hoạt động thiết thực ở cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp trong việc quan tâm, bảo vệ người lao động với chủ đề năm 2023 là “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”.  

Hiện nay, tỉnh ta có gần 300.000 công nhân lao động đang công tác tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp và đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận công nhân còn khó khăn; những vấn đề cấp thiết của công nhân lao động hiện nay như: tiền lương, thu nhập, việc làm; nhà ở; môi trường làm việc; khu vui chơi, giải trí; nhà gửi trẻ; trường học cho con; điều kiện lao động; bảo hộ, an toàn lao động… đây là những vấn đề mà cấp ủy, chính quyền các cấp cùng tổ chức công đoàn trong tỉnh đã và đang nỗ lực giải quyết. Vì vậy, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; vừa bảo đảm an toàn tại nơi làm việc; vừa ổn định việc làm, thu nhập, nâng cao năng suất lao động của người lao động; sự chuẩn bị các điều kiện để nỗ lực tăng tốc của các doanh nghiệp, đồng thời được sự quan tâm lãnh đạo, phối hợp của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận của người sử dụng lao động và sự sáng tạo của các cấp công đoàn, chắc chắn Tháng Công nhân và Tháng an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 sẽ gặt hái nhiều thành công.

Kính thưa các quý vị đại biểu!

Thưa toàn thể anh chị em công nhân thân mến!

Trong những năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; sự phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp chính quyền, chuyên môn, của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội; các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh. Nhân dịp này, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và các tổ chức, cá nhân, các thế hệ cán bộ công đoàn đối với hoạt động công đoàn và phong trào công nhân của tỉnh trong suốt những năm qua. Mong rằng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các đồng chí.

Kính thưa hội nghị!

Để tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ 19 và các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Bắc Giang lần thứ 17 đề ra; đề nghị cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động và các cấp công đoàn trong tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ mang tính giải pháp như sau:

1. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, kế hoạch tổ chức các hoạt động và chương trình thi đua của tổ chức công đoàn.

2. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động, phát huy truyền thống đoàn kết, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Giang phát triển nhanh và bền vững, cụ thể hóa chủ đề thi đua vào các phong trào thi đua phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị.

3. Vận động đoàn viên và người lao động tích cực, năng động, sáng tạo thực hiện chương trình chuyển đổi số trong các cấp công đoàn, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

4. Tập trung chỉ đạo, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 12 Công đoàn Việt Nam, Đại hội 17 Công đoàn tỉnh Bắc Giang, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả các phong trào thi đua phải được thể hiện bằng các sản phẩm, các phần việc cụ thể, hiệu quả thiết thực đối với địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động và góp phần nâng cao vị thế, uy tín của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.

5. Động viên doanh nghiệp và người lao động, đoàn kết, sẻ chia, sáng tạo trong lao động sản xuất với tinh thần lao động hăng say, ổn định sản xuất và bảo đảm việc làm thu nhập cho người lao động.

6. Tích cực chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công đại hội công đoàn cấp trên cơ sở xong trong tháng 6/2023 và tổ chức thành công Đại hội Công đoàn tỉnh Bắc Giang lần thứ 18, nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ diễn ra từ ngày 18-20/7/2023 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.

7. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xã hội từ thiện, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao nhằm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên và người lao động, gắn với việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.

 Kính thưa các đồng chí!

Phát huy truyền thống và thành tích đã đạt được, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh kêu gọi và đề nghị toàn thể đoàn viên, người lao động và các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nêu cao tinh thần trách nhiệm hưởng ứng có hiệu quả nhất, trên cơ sở đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nêu gương tốt trong lao động, sản xuất, công tác và học tập, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Bắc Giang ngày càng phát triển, giàu mạnh.

Một lần nữa xin kính chúc các đồng chí đại biểu, khách quý cùng toàn thể các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công và có ngày nghỉ lễ Chiến thắng (30/4) và Quốc tế Lao động (1/5) vui vẻ, an toàn, nhiều ấn tượng.

Trân trọng cảm ơn!

NGUYỄN VĂN CẢNH
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang

Thư viện Audio Thư viện Audio

Truyền hình Công đoàn Truyền hình Công đoàn

Thư viện video Thư viện video

Hỏi đáp Hỏi đáp

<a href="https://www.bacgiang.gov.vn/web/uy-ban-mat-tran-to-quoc-tinh-bac-giang/thu-vien">Thư viện ảnh</a> Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 10,446
Tổng số trong ngày: 288
Tổng số trong tuần: 10,207
Tổng số trong tháng: 38,852
Tổng số trong năm: 484,598
Tổng số truy cập: 2,130,686