Giải pháp nâng cao hiệu quả thu kinh phí công đoàn khu vực ngoài nhà nước

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Tài chính công đoàn là điều kiện, là công cụ phục vụ đắc lực cho hoạt động của tổ chức công đoàn. Thu kinh phí công đoàn là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của các cấp công đoàn. Theo quy định của Nghị định 191/2013/NĐ-CP, ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn, đối tượng đóng kinh phí công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở.

Theo quy định, mức đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nguồn thu kinh phí công đoàn được sử dụng cho hoạt động đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tổ chức các phong trào thi đua, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, thăm hỏi ốm đau, duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn... Những hoạt động đó đều nhằm bảo vệ sự ổn định, hài hòa của quan hệ lao động; động viên người lao động làm việc hết mình vì sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp và xã hội. Việc thất thu hoặc chỉ thu ít kinh phí công đoàn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nguồn tài chính phục vụ các hoạt động phong trào, chăm lo cho người lao động.

Kết quả thu kinh phí công đoàn hiện nay

Hàng năm, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo, triển khai đến các cấp công đoàn trong tỉnh tổ chức thực hiện việc thu, chi, quản lý sử dụng tài chính, tài sản công đoàn. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc việc thu kinh phí và đoàn phí công đoàn, khắc phục tình trạng thất thu kinh phí công đoàn nhất là khu vực sản xuất kinh doanh, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đặc biệt là việc triển khai thu kinh phí công đoàn qua tài khoản chung của Công đoàn Việt Nam. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh và các cấp công đoàn tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp cho công tác thu kinh phí công đoàn. Kết quả thu hằng năm luôn đạt và vượt dự toán Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao. Năm 2020, tổng thu kinh phí công đoàn khối sản xuất kinh doanh là 210.112.970.802/139.650.000.000, đạt tỷ lệ 150,46%. Một số đơn vị tổ chức tốt việc thu kinh phí công đoàn như Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh, Liên đoàn Lao động thành phố, Liên đoàn Lao động huyện Yên Dũng. Việc triển khai thu kinh phí qua tài khoản chung được thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả, trong năm 2020, đã có 109 doanh nghiệp thực hiện nộp kinh phí qua tài khoản chung của Công đoàn Việt Nam với tổng số tiền là 56.290.924.186  đồng. Kết quả đạt được thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của các cấp công đoàn trong tỉnh.

Công tác tuyên truyền, vận động, đôn đốc thu kinh phí của các cấp công đoàn đã được tăng cường, tích cực hơn bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử của Liên đoàn Lao động tỉnh; phát tài liệu.

Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Tình trạng khó thu kinh phí công đoàn một phần là do một số doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh; nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, mang tính chất gia đình; có những doanh nghiệp chỉ có 5 hoặc 7 đoàn viên, sản xuất, kinh doanh không ổn định; thậm chí có doanh nghiệp chỉ có tên, còn địa điểm và hoạt động sản xuất, kinh doanh không rõ ràng nên công đoàn rất khó khăn trong việc tiếp cận để tuyên truyền, vận động, đốc thúc nộp kinh phí công đoàn.

Một số chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi cho người lao động khi đơn vị thực hiện đóng kinh phí công đoàn. Số thu kinh phí ở các đơn vị, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn đạt thấp , do số doanh nghiệp này chủ yếu hộ kinh doanh cá thể, gia đình nhỏ lẻ và các doanh nghiệp mới thành lập, mới đi vào sản xuất nên việc thu kinh phí gặp nhiều khó khăn.

Năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid 19, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, việc làm và thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng, một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.

Đội ngũ kế toán của công đoàn cấp trên cơ sở cơ bản không có chuyên môn nghiệp vụ về công tác tài chính công đoàn, chủ yếu là kiêm nhiệm. Việc tổ chức tập huấn công tác tài chính cho đội ngũ chủ tịch và kế toán các công đoàn cơ sở tại các Liên đoàn Lao động huyện, thành phố, công đoàn ngành, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh, Công đoàn Viên chức tỉnh nhưng chưa thực sự sâu sát, hiệu quả.

Giải pháp nâng cao hiệu quả thu kinh phí công đoàn

Để giải quyết những khó khăn trong việc thu kinh phí công đoàn, góp phần chăm lo, bảo vệ tốt hơn cho người lao động, trong thời gian tới, các cấp công đoàn cần tích cực tuyên truyền, vận động doanh nghiệp thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn. Chủ động tham mưu với chính quyền địa phương thành lập đoàn liên ngành (gồm các các cơ quan chức năng như: Thuế; Tài chính; Kho bạc; Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội...) kiểm tra thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp, trong đó có lồng ghép kiểm tra Luật Công đoàn.

 Đặc biệt, theo Điều 24C - Nghị định 88/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/11/2015 quy định nếu vi phạm về nộp kinh phí công đoàn sẽ bị phạt (phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi: Chậm đóng kinh phí công đoàn; đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định; đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí công đoàn tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính. Các hành vi trên phạt tối đa không quá 75 triệu đồng...). Chế tài xử lý bằng pháp luật đã có, tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả đòi hỏi tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quyết liệt tuyên truyền để cán bộ công đoàn cơ sở và chủ doanh nghiệp nắm vững những quy định của pháp luật, nhất là Luật Công đoàn, Nghị định 88/2015/NĐ-CP, Nghị định 191/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tài chính công đoàn, giúp cán bộ công đoàn cơ sở và chủ doanh nghiệp hiểu rõ tầm quan trọng của việc thực hiện đóng kinh phí công đoàn để chăm lo tốt hơn cho người lao động, tạo sự gắn kết lâu dài giữa người lao động với doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, để làm tốt việc thu kinh phí công đoàn khu vực nhà nước, các cấp công đoàn cần đề ra một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất:  Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kết hợp với công tác vận động, thuyết phục chủ doanh nghiệp chấp hành các quy định của pháp luật về thu, chi; trích, nộp kinh phí công đoàn. Cần rà soát để đánh giá, phân loại từng đối tượng theo nhóm để có hình thức, nội dung tuyên truyền, tác động phù hợp.

Thứ hai: Rà soát, thống kê lập hồ sơ theo dõi đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP; mở sổ sách theo dõi nợ tồn đọng  từng đơn vị liên tục qua các năm, đối chiếu nợ, theo dõi nợ, phát hành thông báo (thông báo nợ nhiều lần có nội dung áp lực tăng dần tạo hiệu ứng tác động liên tục vào nhận thức của người thực hiện) và công văn đòi nợ kinh phí công đoàn (theo tháng, quý, năm duy trì thường xuyên tạo thành thói quen trong nhận thức làm thay đổi hành vi của người thực hiện) một cách có hệ thống; không để sót, lọt nợ và thất thoát nguồn thu kinh phí của tổ chức công đoàn.

Thứ ba: Duy trì việc tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra chống thất thu và thu hồi nợ kinh phí công đoàn; ngoài ra các cấp công đoàn phải thực hiện quyết liệt hơn nữa các biện pháp tạo áp lực như: Lập danh sách các đơn vị, doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định về trích nộp kinh phí công đoàn báo cáo cơ quan chức năng nhằm xử lý theo quy định của pháp luật; hoàn tất hồ sơ khởi kiện ra Tòa án để đòi nợ theo quy định của pháp luật đối với đơn vị nợ số tiền lớn và vi phạm pháp luật kéo dài; đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp thu hồi nợ đọng có hiệu quả, thực hiện xử lý nợ theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật.

Thứ tư: Chủ động đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành văn bản chỉ đạo các đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo Điều 4, Nghị định 191/2013/NĐ-CP nghiêm túc thực hiện việc trích, nộp kinh phí công đoàn theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thứ năm: Chỉ đạo công đoàn cơ sở thực hiện đúng, đủ và kịp thời các quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác quản lý tài chính, tài sản và chế độ kế toán công đoàn. Trả lời kịp thời, thỏa đáng những thắc mắc, đề xuất, kiến nghị về công tác quản lý tài chính, tài sản và chế độ kế toán công đoàn của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Thứ sáu: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp mọi mặt cho đội ngũ cán bộ làm công tác tài chính công đoàn; thực hiện tuyển dụng, luân chuyển cán bộ có trình độ về quản lý kinh tế, pháp luật, năng động, sáng tạo tham mưu cho lãnh đạo quản lý tài chính, tài sản và chỉ đạo công tác thu tài chính công đoàn.

Thứ bảy: Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện các chương trình phối hợp với các cơ quan: Thuế, Tài chính, Kho bạc, BHXH, Lao động, Thương binh và Xã hội…; rà soát để bổ sung, chỉnh sửa những thiếu sót và bất cập trong các chương trình phối hợp nhằm tổ chức triển khai thực hiện các chương trình phối hợp trong các năm tiếp theo đạt kết quả tốt hơn.

Thứ tám: Kịp thời khen thưởng, nêu gương đối với những cơ quan, đơn vị, cá nhân chấp hành tốt các quy định về trích nộp kinh phí công đoàn, quản lý tài chính, tài sản công đoàn; lập danh sách các đơn vị, doanh nghiệp có hành vi vi phạm các quy định về quản lý tài chính, tài sản, trích nộp kinh phí công đoàn công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và đề nghị cơ quan chức năng của nhà nước xử lý theo quy định của pháp luật.

Với việc triển khai các giải pháp nêu trên một cách quyết liệt, đồng bộ sẽ giúp công tác thu hồi nợ, xử lý nợ, chống thất thu kinh phí công đoàn của tỉnh trong những năm tới sẽ có nhiều chuyển biến tích cực; tình hình vi phạm các quy định của pháp luật về trích nộp, nợ đọng kinh phí công đoàn kéo dài, thất thu sẽ được khắc phục, góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ thu tài chính công đoàn.

Nhìn lại công tác thu kinh phí công đoàn trong những năm qua cho thấy các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức triển khai quyết liệt tập trung đồng bộ nhiều biện pháp trong công tác quản lý nợ, thu nợ và xử lý nợ kinh phí, đoàn phí công đoàn; kết quả thu kinh phí, đoàn phí của các cấp công đoàn trong tỉnh đã góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ thu tài chính công đoàn của Liên đoàn Lao động tỉnh trong những năm qua.

Nguyễn Thị Mai Anh, Ban Tài chính Liên đoàn Lao động tỉnh

 

NGUYỄN VĂN CẢNH
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang

Thư viện Audio Thư viện Audio

Truyền hình Công đoàn Truyền hình Công đoàn

Thư viện video Thư viện video

Hỏi đáp Hỏi đáp

<a href="https://www.bacgiang.gov.vn/web/uy-ban-mat-tran-to-quoc-tinh-bac-giang/thu-vien">Thư viện ảnh</a> Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 8,069
Tổng số trong ngày: 216
Tổng số trong tuần: 10,135
Tổng số trong tháng: 38,780
Tổng số trong năm: 484,526
Tổng số truy cập: 2,130,614