Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp tỉnh Bắc Giang

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Kiểm tra, giám sát là một chức năng, nhiệm vụ của bất kỳ tổ chức nào trong đó có tổ chức Công đoàn, là một nội dung của phương thức lãnh đạo, là bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng tổ chức nói chung và xây dựng Công đoàn vững mạnh nói riêng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tầm quan trọng của công tác kiểm tra: “Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như có ngọn đèn “pha”. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng, chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm”. "Có kiểm tra mới phát huy được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”. "Kiểm tra không nên chỉ bằng cứ vào các tờ báo cáo, mà phải đi đến tận nơi"…Điều 28 Điều lệ Công đoàn Việt Nam đã quy định “Công tác kiểm tra của công đoàn là nhiệm vụ của ban chấp hành công đoàn mỗi cấp nhằm lãnh đạo việc thực hiện Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của tổ chức công đoàn…”.

Hoạt động của Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp nhằm thực hiện nhiệm vụ giúp ban chấp hành, ban thường vụ thực hiện kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Công đoàn đối với công đoàn cùng cấp và cấp dưới; Kiểm tra công đoàn cùng cấp và cấp dưới khi tổ chức hoặc đoàn viên có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của công đoàn; Kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế của công đoàn cùng cấp và cấp dưới; Giám sát tổ chức công đoàn, ủy viên BCH, cán bộ công đoàn cùng cấp và cấp dưới về thực hiện Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy chế của tổ chức công đoàn và quy định của Đảng, Nhà nước; Tham mưu xử lý kỷ luật tổ chức công đoàn, cán bộ đoàn viên công đoàn cùng cấp và cấp dưới khi có vi phạm theo quy định; Giải quyết và tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của đoàn viên, người lao động theo quy định của pháp luật...

Liên đoàn Lao động tỉnh giám sát chính sách bảo hiểm cho người lao động

Được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành các cấp công đoàn trong tỉnh, công tác kiểm tra công đoàn đã từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, trong 4 năm qua các cấp công đoàn trong tỉnh đã kiểm tra được 11.058 cuộc, trong đó Ủy ban Kiểm tra LĐLĐ tỉnh đã tiến hành kiểm tra 75 cuộc; Ủy ban Kiểm tra Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố, Công đoàn ngành, Công đoàn Viên chức, Công đoàn các Khu CN tỉnh kiểm tra được 3.749, Ủy ban kiểm tra Công đoàn cơ sở kiểm tra được 7.234 cuộc; thụ lý giải quyết và tham gia giải quyết 162 đơn khiếu nại, tố cáo đảm bảo theo đúng quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Thông qua hoạt động kiểm tra đã giúp cho Công đoàn các cấp chấp hành tốt Điều lệ Công đoàn Việt Nam, công tác quản lý tài chính công đoàn đảm bảo chặt chẽ, đúng nguyên tắc và quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Hiệu lực và vị thế của tổ chức Công đoàn ngày càng được nâng cao đồng thời cũng là yếu tố quyết định trong công tác xây dựng và phát triển tổ chức công đoàn.

Hoạt động của các Công đoàn cơ sở và Công đoàn cấp trên cơ sở có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả cũng chính là nhờ sự kiểm tra thường xuyên về chấp hành Điều lệ và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ thị và các quy định của Công đoàn. Công đoàn các cấp trong tỉnh đã xây dựng đầy đủ các quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra; Quy chế phối hợp giữa Ban Chấp hành và Thủ trưởng cơ quan, chính quyền đồng cấp…Trên 80% Công đoàn cơ sở đã xây dựng và bổ sung đầy đủ các quy chế hoạt động, củng cố lại chế độ sinh hoạt của Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra theo đúng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Đạt được những kết quả trên trước hết là nhờ sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ, Ban chấp hành Công đoàn các cấp. Bên cạnh đó các cấp Công đoàn đã ý thức được trách nhiệm và tầm quan trọng của việc thực hiện tốt Điều lệ, Nghị quyết Công đoàn trong công tác kiểm tra, là yếu tố quyết định xuyên suốt trong hoạt động Công đoàn các cấp và cũng là chức năng quan trọng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và Công nhân lao động

Trong trong giai đoạn hiện nay, tổ chức Công đoàn, nhất là cán bộ, đoàn viên đang chịu nhiều tác động của nhiều nhân tố kinh tế-xã hội phức tạp đan xen nhau, đặc biệt là sự suy giảm của nền kinh tế dẫn đến công nhân lao động thiếu việc làm, mất việc làm dẫn đến việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động của chủ sử dụng lao động không đảm bảo trong khi đó tổ chức công đoàn không phát huy hết chức năng nhiệm vụ của mình dẫn đến việc công nhân lao động giảm lòng tin vào tổ chức Công đoàn. Một số công đoàn cơ sở hoạt động còn yếu kém, không phát huy được vai trò, chức năng “Công đoàn là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNLĐ”. Bên cạnh đó, hoạt động của Ủy ban kiểm tra Công đoàn các cấp cũng gặp không ít khó khăn, hầu hết cán bộ kiêm nhiệm nên việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thiếu chủ động, nghiệp vụ kiểm tra còn yếu. Chất lượng và hiệu quả của các cuộc kiểm tra chưa cao còn mang nặng tính hình thức; nhiều Công đoàn cơ sở chưa làm tốt công tác kiểm tra, việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra vẫn còn bất cập, việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra chưa cụ thể, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Công tác kiểm tra ở một số Công đoàn cơ sở chưa đi vào nề nếp, nhất là ở các Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước; phương pháp kiểm tra của công đoàn và Ủy ban kiểm tra các cấp chưa thật sự đổi mới. Cán bộ làm công tác kiểm tra công đoàn ở các cấp sự am hiểu về nghiệp vụ công tác kiểm tra ở một số cán bộ kiểm tra còn hạn chế. Những bất cập ấy có nguyên nhân chủ quan là tính tự ty và ngại đấu tranh va chạm vẫn là một căn bệnh cố hữu đối với những người hoạt động công đoàn kiêm nhiệm. Điều này khiến người làm công tác kiểm tra tự ty, lúng túng, thiếu tự tin và ngại hoạt động.

Có thể nói, công tác kiểm tra là một khâu quan trọng trong hoạt động của các cấp các ngành nói chung và tổ chức Công đoàn nói riêng, làm tốt công tác kiểm tra sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, đảm bảo sự phát triển có hiệu quả và lành mạnh trong xã hội. Báo cáo chính trị Đại Hội XII Công đoàn Việt Nam đã khẳng định "Tăng cường công tác kiểm tra của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp đề ngăn ngừa vi phạm, kịp thời phát hiện những nhân tố mới để nhân rộng và nhanh chóng khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, những vi phạm của tổ chức và đoàn viên. Kiện toàn bộ máy Uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp dể đảm bảo tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao". Để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra của Công đoàn, và hoạt động của Ủy ban kiểm tra Công đoàn các cấp trong tỉnh đáp ứng yêu cầu hiện nay, các cấp công đoàn trong tỉnh cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

1. Đổi mới và nâng cao nhận thức của các cấp công đoàn về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tác dụng của công tác kiểm tra. Vai trò trách nhiệm của ban chấp hành, ban thường vụ Công đoàn các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, trách nhiệm của công đoàn các cấp, của Ủy ban kiểm tra Công đoàn các cấp, của cán bộ, đoàn viên đối với công tác kiểm tra, khắc phục những lệch lạc về nhận thức và yếu kém trong công tác kiểm tra, buông lỏng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các cuộc kiểm tra mang tính hình thức, các kết luận kiểm tra không được thực hiện nghiêm túc. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra phải luôn đảm bảo tính thống nhất từ khâu tổ chức thực hiện các nghiệp vụ kiểm tra đến khâu đưa ra các kết luận kiểm tra; kết quả thực hiện kiểm tra phải đánh giá được tính hiệu quả và tính hiệu lực trong quản lý và thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

2. Tăng cường kiểm tra đồng cấp và cấp dưới đồng thời nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra chấp hành Điều lệ; kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế của Công đoàn; kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm và kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ thị và các quy định của Công đoàn để chủ động phòng ngừa vi phạm, phát hiện những điển hình tiên tiến để phát huy, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm khi được phát hiện.

3. Hoạt động kiểm tra phải luôn linh hoạt, đổi mới phương pháp, quy trình kiểm tra, cải tiến tổ chức hoạt động các đoàn kiểm tra. Kiểm tra phải công tâm, khách quan, không bỏ lọt nhưng không quy chụp. Công tác kiểm tra cần tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, vận dụng đồng bộ và sáng tạo các hình thức kiểm tra thường xuyên, đột xuất, định kỳ, các phương pháp kiểm tra trực tiếp, gián tiếp....đồng thời hàng năm cần được được nghiêm túc tổng kết đánh giá về hiệu quả để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác kiểm tra.

4. Tổ chức sắp xếp đủ về số lượng và chất lượng cán bộ Ủy ban kiểm tra Công đoàn. Đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra phải là những người có năng lực chuyên môn cao, có kiến thức tương đối toàn diện về các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội; bản thân người làm công tác kiểm tra phải có đạo đức nghề nghiệp, công tâm, trung thực, khách quan và mạnh dạn đấu tranh với các hành vi vi phạm. Cùng với quá trình đổi mới, cán bộ làm công tác kiểm tra phải luôn tự học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

5. Tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ Công đoàn làm công tác kiểm tra. Đây là nhiệm vụ nhưng đồng thời cũng là biện pháp nhằm tác động trực tiếp đến nhận thức, nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra. Do đó cần coi việc bồi dưỡng, tập huấn là việc làm thường xuyên hằng năm của Ủy ban kiểm tra công đoàn mỗi cấp. Căn cứ vào yêu cầu và tình hình thực tế ở mỗi cấp, hàng năm Ủy ban kiểm tra Công đoàn các cấp trong tỉnh cần có chương trình bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra, đặc biệt là sau mỗi kỳ đại hội, việc tập huấn, bồi dưỡng cán bộ nên được tổ chức triển khai sớm và trước hết cán bộ làm công tác kiểm tra cần phải được ưu tiên bồi dưỡng trước.

6. Ủy ban kiểm tra các cấp công đoàn trong tỉnh cần tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của công đoàn; tham gia với các cơ quan chức năng của nhà nước và người sử dụng lao động giải quyết khiếu nại, tố cáo của đoàn viên, CNVCLĐ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, công nhân viên chức lao động.

7. Giám sát việc thực hiện kết luận sau kiểm tra để đảm bảo kết luận kiểm tra được thực hiện một cách nghiêm túc góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.

Trên đây là một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm tra và hoạt động của Ủy ban kiểm tra Công đoàn các cấp tỉnh Bắc Giang. Các cấp công đoàn trong tỉnh cần vận dụng linh hoạt, đồng bộ các giải pháp trên để góp phần tạo bước chuyển biến tích cực quan trọng trong xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Bắc Giang lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đề ra.

                 Nguyễn Hồng Điệp, UV BTV, Phó trưởng Ban Tổ chức-Kiểm tra LĐLĐ tỉnh Bắc Giang

NGUYỄN VĂN CẢNH
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang

Thư viện Audio Thư viện Audio

Truyền hình Công đoàn Truyền hình Công đoàn

Thư viện video Thư viện video

Hỏi đáp Hỏi đáp

<a href="https://www.bacgiang.gov.vn/web/uy-ban-mat-tran-to-quoc-tinh-bac-giang/thu-vien">Thư viện ảnh</a> Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 8,787
Tổng số trong ngày: 2,996
Tổng số trong tuần: 9,688
Tổng số trong tháng: 38,333
Tổng số trong năm: 484,079
Tổng số truy cập: 2,130,167